Dịch bệnh dần đi qua, nhưng tình quân dân mãi đọng lại trong tim của mọi người con đất Việt. Nghĩa tình quân dân là mạch nguồn cuộn chảy từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Tối 19/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình quân dân” chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2021) và tôn vinh điển hình tiên tiến phòng, chống dịch Covid-19.
Chương trình được tổ chức từ 2 điểm cầu Hà Nội và TP.HCM nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Những đoạn phóng sự được phát sóng đưa người xem trở lại khoảng thời gian cuộc chiến chống Covid-19 mới bắt đầu cho đến khi trở nên khốc liệt, và ở đó luôn có sự hiện diện của màu xanh áo lính.
Các chiến sĩ quân y giao lưu trong chương trình. Hơn 600 tổ quân y lưu động từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam đã ngày ngày với bình oxy, túi thuốc đến từng gia đình trực tiếp chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Khán giả xúc động khi được nghe bức thư gửi mẹ của trung úy biên phòng đã 2 năm bám chốt xa nhà; câu chuyện của những bác sĩ quân y cứu sống nhiều bệnh nhân mà cụ thể là bác sĩ Diệp Hồng Kháng (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175) là thành viên của nhóm bác sĩ nghiên cứu sáng kiến chia đôi máy thở ECMO; chuyện của anh lính dân quân tự vệ Dương Thanh Hoàng, một trong 9 thành viên của tổ xử lý thi hài cho những nạn nhân đã mất vì Covid-19…
Những chia sẻ của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7… giúp người xem thấy rõ hơn nghĩa tình quân dân trong cuộc chiến lịch sử này.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước đã trải qua những tháng ngày không thể nào quên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Chính trong thời khắc khó khăn ấy, đã xuất hiện những hình ảnh xúc động, sâu sắc, những nghĩa cử đẹp của Anh Bộ đội cụ Hồ với nhân dân.Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của nhân dân, sự cống hiến của lực lượng tuyến đầu y tế, quân đội, công an là nhân tố quyết định, là động lực, là niềm tin để chiến thắng dịch bệnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ cả nước những tình cảm ân tình sâu đậm và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, nghĩa tình quân dân là giá trị nội lực, sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước và vượt qua những thời khắc khó khăn của lịch sử như đại dịch Covid-19.
Bác Hồ đã từng căn dặn không có nhân dân thì không có bộ đội, quân với dân như cá với nước, tình quân dân kết nối bằng hệ giá trị, bằng mẫu số chung của lòng yêu nước, tình đoàn kết, sự tin tưởng, trái tim nhân ái, truyền thống sẻ chia, khát vọng dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng, văn mình.
Thủ tướng phát biểu tại chương trình. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trong thời bình, những người con của nhân dân mang màu xanh áo lính đã được dân tin yêu, giúp đỡ huấn luyện, tham gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên của Tổ quốc. Những người lính ấy đã sống trong lòng nhân dân, giúp đỡ nhân dân thực hiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ cứu nạn...
Trong hành trình ấy, đã có những người lính ngã xuống vì cuộc sống bình an của nhân dân.
Khi dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, những người con của nhân dân mang màu xanh áo lính đi giữa màu đỏ của tâm dịch để giúp đồng bào.
Thủ tướng cho biết, ngày 21/8/2021, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đưa ra quyết định rất khó khăn nhưng đúng đắn, kịp thời, được lòng dân là điều lượng lượng quân đội vào giúp đỡ nhân dân TP.HCM và một số tỉnh phía Nam chống dịch.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ không ngại hiểm nguy, gác lại mọi nỗi niềm riêng tư để thực hiện “trách nhiệm phụng sự nhân dân”.
"Cảm động và thân thương! Những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đã đi từng ngõ gõ từng nhà, cần mẫn hướng dẫn dân phòng chống, chữa bệnh, đi chợ, thu nông sản giúp bà con, phục vụ trong khu cách ly, canh gác các chốt kiểm dịch, chăm sóc em bé mồ côi, mai táng đồng bào tử vong do dịch bệnh bằng tất cả tấm lòng và trái tim chan chứa tình người", Thủ tướng nói.
Đảng và Nhà nước tặng phần thưởng cao quý cho các điển hình tiên tiến của QĐND Việt Nam trong phòng, chống dịch. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Hay những người cha, người mẹ suốt mấy tháng trời chỉ nghe thấy tiếng, nhìn thấy mặt con yêu thương qua điện thoại. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng hoãn cưới vợ, cưới chồng, cưới con, không thể ở nhà lúc vợ trở dạ sinh con để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.
Thủ tướng khẳng định dịch bệnh dần đi qua, nhưng tình quân dân mãi đọng lại trong tim của mọi người con đất Việt. Nghĩa tình quân dân là mạch nguồn cuộn chảy từ khi thành lập QĐND Việt Nam anh hùng.
"Chúng ta cần phải nâng niu, nuôi dưỡng, và phát huy hơn nữa tài sản sản vô giá này của quân và dân ta", Thủ tướng cho biết.
Nghĩa tình quân dân càng sâu sắc hơn trong những lúc gian khó và thách thức. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do đó vai trò của lực lượng tuyến đầu, trong đó có quân đội là hết sức quan trọng.
Thủ tướng mong muốn các cán bộ chiến sĩ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống nghĩa tình để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Xem toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại đây
Trần Thường
Vợ con nhiễm Covid-19, chiến sĩ quân đội vẫn trụ lại chống dịch
Nhiều chiến sĩ quân đội có người thân mất, có vợ con nhiễm Covid-19 nhưng không về được; nhiều người trong quá trình giúp dân phòng chống dịch bệnh đã bị nhiễm bệnh, có chiến sĩ hy sinh.